Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Đổi mới tư duy nhận thức về kỹ năng mềm trong sinh viên thời đại công nghiệp 4.0

Thời đại "Công nghiệp 4.0" mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng, đặc biệt là giáo dục đại học. Sinh viên đại học trong thời đại 4.0 đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ tư duy nhận thức đến hành động, từ đó có khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới, thường xuyên thay đổi và phát triển không ngừng. 

Để làm được việc này, ngoài vấn đề chuyên môn (kỹ năng cứng) sinh viên cần được trang bị về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm. Bằng phương pháp phân tích bài viết tập trung làm rõ khái niệm, sự cần thiết của kỹ năng mềm; đánh giá thực trạng nhận thức, rèn luyện kỹ năng mềm trong sinh viên hiện nay. Từ đây bài viết kiến nghị một số giải pháp cơ bản để sinh viên dần hoàn thiện kỹ năng mềm trong tương lai.Từ khóa: 4.0, công nghiệp 4.0, kỹ năng, kỹ năng mềm, kỹ năng mềm của sinh viên, sinh viên đại học 

Đổi mới tư duy nhận thức về kỹ năng mềm trong sinh viên thời đại công nghiệp 4.0


1.Đặt vấn đề


Thời đại "Công nghiệp 4.0", nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, dẫn đến sự chuyển biến sâu sắc về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi các ngành các lĩnh vực kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, thay đổi toàn diện từ tư duy nhận thức đến hành động. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trong những ngành cần sớm thích nghi và thay đổi tích cực, vừa bắt nhịp vừa đón đầu trước những sự thay đổi chung của đất nước và của thế giới.

Những sản phẩm của giáo dục đào tạo là những người lao động vừa có khả năng sâu về chuyên môn đào tạo, làm việc; kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là những kỹ năng mềm cần thiết giúp cho họ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc mới, thường xuyên thay đổi và phát triển không ngừng. Để làm được điều này ngoài kiến thức về chuyên môn đòi hỏi họ phải có khả năng tạo lập mối quan hệ tốt trong công việc, khả năng hợp tác làm việc hiệu quả, không ngừng sáng tạo…trong một thể lực tốt có khả năng làm việc với áp lực công việc cao.

Với tất cả những yêu cầu đó dường như trong đào tạo truyền thống nhà trường đã quá chú trọng đến đào tạo chuyên môn sâu (kỹ năng cứng) mà xem nhẹ hay bỏ qua nội dung đào tạo các kỹ năng mềm cần thiết và rèn luyện thể chất khoa học để đào tạo một cách toàn diện. Vấn đề tác giả muốn đề cập ở đây là cần thiết thay đổi nhận thức việc "xem trọng chuyên môn nghề nghiệp và xem nhẹ kỹ năng mềm và rèn luyện thể chất" trong các cơ sở đào tạo các cấp hiện nay, nhất là bậc đại học. Thay vào đó là nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm cần thiết và rèn luyện thể chất phù hợp với nội dung đào tạo chuyên môn, kỹ năng làm việc cho sinh viên. Từ đó, các trường đại học thay đổi cơ cấu nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy khoa học hợp lý hài hòa các yêu cầu đào tạo nhằm sản sinh ra những sản phẩm đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động phát triển không ngừng của xã hội.
Vậy kỹ năng mềm là gì?

2. Kỹ năng mềm


Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... 

Kỹ năng mềm không thể hiện dưới dạng hữu hình có thể đo đếm được hay chứng nhận thông qua bằng cấp như bằng cấp chuyên môn chẳng hạn mà nó được thể hiện thông qua thái độ, cách thể hiện cũng như khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề của con người.

Ngày nay, các nhà tuyển dụng đánh giá cao các kỹ năng mềm của các ứng cử viên thông qua cách họ chuẩn bị hồ sơ xin việc, cách họ chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, thái độ tự tin, khả năng giải quyết các vấn đề tình huống được đưa ra, … hơn là chỉ chú trọng đến bằng cấp của ứng viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng của các ứng viên là không cao, thậm chí là rất thấp dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động diễn ra phổ biến những năm gần đây.

Đa phần ứng viên thiếu các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng viết đơn xin việc và trả lời phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xác định mục tiêu cuộc đời, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm chủ bản thân, …

Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, trong những năm gần đây nhiều trường đại học đã bắt đầu đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên có thể kể đến như: Trường Đại học FPT, Trường đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu , …

3. Thực trạng học tập kỹ năng mềm trong sinh viên hiện nay

Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị một cách chủ động, tích cực trước đó. Trong khi đó, đa số sinh viên hiện nay vẫn còn nhiều nhầm lẫn về chuẩn giá trị đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp. Từ đó, họ bỏ nhiều công sức để chạy theo thành tích học tập (qua điểm số) và sưu tầm càng nhiều bằng cấp chứng chỉ càng tốt. Đa số không tích cực tham gia các hoạt động chung của nhà trường, hoạt động đoàn thể, xã hội ở trường cũng như ở địa phương. Theo một nghiên cứu của Giáo sư Phạm Minh Hạc: "Chỉ có 20-30% học sinh -sinh viên tham gia các hoạt động xã hội bao gồm công tác đoàn, thanh niên, sinh viên" [6]. Ngoài ra, việc thiếu tích cực trong tiếp nhận những phương pháp đào tạo mới làm cho sinh viên trở nên thụ động, ỷ lại; suy nghĩ, lối sống nhiều khi tiêu cực dễ bi quan, chán nản, thiếu niềm tin, thiếu động lực cố gắng, vươn lên.


Thực tế phổ biến hiện nay, sinh viên chưa nhận thức được đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của việc tích lũy và trang bị kỹ năng mềm trong quá trình sống và học tập cho đến khi ra trường và tìm việc. Thậm chí nhiều người không nhận ra nguyên nhân thực sự của việc không được tuyển dụng mặc dù có nhiều bằng cấp.

Theo điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2011, cả nước có tới 63% SV tốt nghiệp ĐH - CĐ ra trường không có việc làm, 37% SV có việc làm nhưng đa số làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại do yếu và thiếu các yếu tố kỹ năng thực hành xã hội và 83% bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống. Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung[HL1] , cán bộ Viện Nghiên cứu giáo dục cho biết thêm: "Kết quả nghiên cứu cho thấy, 86% học sinh, sinh viên có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai của mình, trong đó hơn 80% cho rằng, có thể thực hiện được những ước mơ và tin rằng tự mình quyết định tương lai đó. Tuy nhiên, phần lớn lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời…" 

4. Giải pháp thay đổi nhận thức về kỹ năng mềm trong sinh viên


Việc thay đổi tư duy nhận thức là một việc làm khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và kiên trì. Động lực thay đổi bắt nguồn từ yêu cầu thực tế của cuộc sống, đó là vấn đề "tồn tại hay không tồn tại"; nó đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cao của nhiều đối tượng liên quan: sinh viên, nhà trường, nhà tuyển dụng. Trong bài viết này chỉ đề cập đến hai đối tượng chính là sinh viên và nhà trường.

4.1 Đối với sinh viên


Để nâng cao những kỹ năng mềm cần thiết để học tập, làm việc và sống tích cực, sinh viên cần thực hiện một số gợi ý sau đây:

  • Tích cực tham gia các hoạt động học tập và chủ động trong các phương pháp học tập mới như thuyết trình, làm việc nhóm, …
  • Tham gia các hoạt động đoàn, hội để tích lũy các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, …
  • Tham gia các lớp kỹ năng phù hợp do trường và tổ chức đào tạo uy tín giảng dạy để tích lũy kỹ năng mềm cần thiết;
  • Tìm kiếm các công việc bán thời gian phù hợp với sinh viên để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc hỗ trợ tích cực cho công việc tương lai theo ngành nghề nhất định;
  • Ngoài ra, việc tham gia các công tác xã hội là hết sức bổ ích giúp nâng cao tinh thần cộng đồng, nhận định rõ nét và định hướng đúng đắn giá trị bản thân.

4.2 Đối với nhà trường


Để hoàn thiện những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên, trong chiến lược đào tạo con người toàn diện, nhà trường cần phải thực hiện một số giải pháp sau đây:



  • Thay đổi, hoàn thiện chương trình đào tạo trên cơ sở bổ sung việc rèn luyện, trang bị những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên phù hợp theo từng năm học bên cạnh đào tạo về chuyên môn;
  • Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động đoàn thể của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên vừa đa dạng, phong phú thích hợp với nhiều đối tượng, sở thích, khả năng khác nhau của sinh viên qua đó rèn luyện thể chất và các kỹ năng mềm cho sinh viên;
  • Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường, …tạo môi trường học tập, làm việc thân thiện, hiệu quả; tạo mối quan hệ tốt giữa lãnh đạo và cán bộ giảng viên; giữa giảng viên và sinh viên; giữa sinh viên và cán bộ các phòng ban, …
  • Thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, các buổi giao lưu gặp gỡ giữa sinh viên và doanh nghiệp để nhà trường, sinh viên nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận lao động tại nguồn và "đặt hàng" đào tạo.


5. Kết luận

Những năm gần đây, nhiều hội thảo liên quan đến "Kỹ năng mềm" được tổ chức ở nhiều cấp khác nhau; trung tâm đào tạo "Kỹ năng mềm" ngày càng nhiều; một số trường đại học đã đưa chương trình huấn luyện kỹ năng cho sinh viên vào chương trình chính thức như là những học phần bắt buộc đối với sinh viên. Tuy nhiên, nhiều kết quả tích cực từ các hội thảo chưa được đưa vào ứng dụng thực tế. Việc tổ chức, đào tạo và học tập kỹ năng mềm nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu khoa học chưa được thống nhất, mang tính đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Do đó, không những sinh viên cần thay đổi nhận thức về vai trò của kỹ năng mềm mà nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần thay đổi ngay "nhận thức" về vấn đề trên và có những hành động tích cực, chuẩn hóa các quy định về đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trong đổi mới cơ cấu chương trình và phương pháp đào tạo trong thời gian tới hướng đến nền công nghiệp 4.0.
>> Nguồn: bvu.edu.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét